Tuesday, March 30, 2010
Friday, March 26, 2010
SỰ SÁNG TẠO TRONG CÁCH TỔ CHỨC NHỮNG BUỔI CẦU NGUYỆN GIỚI TRẺ
Không cần nói nhiều nhưng chúng ta, những người làm việc mục vụ Giới trẻ, đều hiểu tầm quan trọng của sự sáng tạo trong cách thức chúng ta làm việc với Giới trẻ. Không thể nào giữ mãi một phương cách cầu nguyện ngày này qua tháng nọ, nếu không, giới trẻ sẽ rất dễ cảm thấy nhàm chán. Nhưng chúng ta cũng không nên đi về một thái cực khác, là chúng ta phải thay đổi luôn luôn, và sẵn sàng xem nhẹ nội dung chỉ vì muốn thay đổi hình thức. Định nghĩa của sáng tạo là cái nhìn mới đối với một vấn đề cũ, là hình thức mới của một nội dung cũ, hay là cách thức làm việc mới của một một đích trước giờ vẫn có.
Trước khi sáng tạo một cách thức cầu nguyện mới, chúng ta hãy cùng ôn lại những phần căn bản của một buổi cầu nguyện. Một buổi cầu nguyện tiêu biểu thường bao gồm 4 phần:
- Sum họp (gathering)
- Chia xẻ Lời Chúa (sharing the Words)
- Chúc tụng, thờ lạy, cầu xin (praise and worship and petition)
- Sai đi (sending forth)
Hãy lấy ví dụ một mẫu buổi cầu nguyện mà trước giờ Đoàn TNTT của tôi vẫn thực hành dựa theo khuông mẫu trên:
- Sum họp: Chúng tôi có một ban nhạc trẻ chơi nhạc Christian Rock rất hay, rất nhộn nhịp, và có nhiều bạn trẻ có khiếu ca hát và linh hoạt. Chỉ cần 30 phút, bang nhạc này có thể làm cho tinh thần các bạn trẻ tham dự sôi nổi hẳn lên với những bài hát có cử điệu, những điệu múa, những trò chơi nhỏ, v.v…
- Chia xẻ Lời Chúa: Thường chúng tôi hay mời một Cha, Thầy hay chuyên viên chia xẻ và giảng dạy Lời Chúa về phụ trách phần này. Có thể là người đó đọc một đoạn Thánh Kinh, rồi sau đó chia xẻ ý nghĩa, có thể phụ họa bằng slideshow hay bài hát suy niệm.
- Chúc tụng, thờ lạy, cầu xin: Vì là phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, chúng tôi luôn dành phần này cho việc tôn vinh Thánh Thể. Mặt nhật được đặt ra, có thể có một người dẫn một lời nguyện ngắn, mọi người cầu nguyện tự phát, hát những bài chúc tụng, và sau đó là phần hát chầu Thánh Thể theo truyền thống Giáo hội, và ban phép lành Mình Thánh Chúa.
- Sai đi: trước giờ đoàn tôi chưa có điều kiện để tổ chức phần Sai đi một cách có ý nghĩa hơn. Chúng tôi thường chỉ có vài lời dặn dò, rồi lại ca hát nhảy múa trước khi giải tán. Đúng theo tinh thần thì phần này là phần giúp cho các bạn trẻ cảm nhận được sứ mạng phải đi phục vụ, qua công tác Tông đồ, qua sự cam kết sẽ làm một việc gì đó … để buổi cầu nguyện không chỉ kết thúc suông.
Một khi đã nắm vững nguyên tắc và ý nghĩa của mỗi phần, người tổ chức có thể soạn một buổi cầu nguyện hoàn toàn khác với mẫu trên mà vẫn đảm bảo đầy đủ những yếu tố quan trọng của một buổi cầu nguyện.
Phần 1 - Sum họp: Đây là phần mở đầu, tập họp các bạn lại, những trò chơi hay bài hát có cử điệu có thể phá tan bầu không khí ngại ngùng xa lạ ban đầu. Phần này mục đích giúp các bạn trẻ cảm thấy tự nhiên thoải mái với nhau và với chương trình, cho nên phải tùy vào thị hiếu của nhóm trẻ được phục vụ để mà chọn tiết mục thích hợp. Nhóm TNTT của tôi chỉ tình cờ thích nhạc Christian Rock cho nên ban nhạc chơi những bài hát có cử điệu phục vụ tốt cho mục đích này. Nhưng nếu tổ chức buổi cầu nguyện cho một nhóm giới trẻ thích trò chơi, thì cho trò chơi ở phần này thích hợp hơn. Miễn là phải có yếu tố giao lưu để mọi người cảm thấy không còn bỡ ngỡ nữa.
Phần 2 - Chia xẻ Lời Chúa: Vì tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta nên mời những vị chuyên gia và có bản lĩnh chia xẻ Lời Chúa (linh mục, tu sĩ chuyên gia) phụ trách phần này để tránh những chia xẻ sai lạc. Nhưng nếu không có những vị chuyên gia đó, chúng ta vẫn có thể theo những sách hướng dẫn chia xẻ Lời Chúa để tổ chức phần này. Mục đích vần là để cho các bạn trẻ được tiếp cận với Lời Chúa, có cơ hội suy ngẫm, cầu nguyện với Lời Chúa để Lời Chúa thật sự “nói” với các bạn. Một vài đề nghị có thể là: slideshow, chia xẻ theo nhóm nhỏ, mỗi nhóm nhỏ trình diễn một vở kịch ngắn để chia xẻ những suy niệm của họ về ý nghĩa đoạn Thánh Kinh, …
Phần 3 - Ca ngợi, thờ phượng: Nếu có Phó tế, Linh Mục thì có thể đặt Mình Thánh Chúa, dành những giây phút yên lặng hoặc với nhạc nền thật êm dịu để các bạn suy niệm riêng, có thể mở đầu bằng hát chung một bài hát suy niệm, có thể dâng lời nguyện tự phát … Và kết thúc phần này bằng nghi thức chầu Mình Thánh với phép lành Mình Thánh Chúa. Nếu không có Mình Thánh Chúa vẫn có thể dùng giờ này để hát thánh ca suy niệm, dâng lời nguyện. Có thể viết thư riêng cho Chúa Giêsu.
Phần 4 - Sai đi. Đi phục vụ là ơn gọi của mọi Kitô Hữu, cho nên buổi cầu nguyện muốn mang tính Kitô đúng đắn phải bao gồm yếu tố sai đi để tạo điều kiện và khuyến khích việc phục vụ. Đơn giản có thể chỉ là viết lời cam kết một chương trình gì đó, nếu tổ chức khéo có thể dùng buổi cầu nguyện này thành nghi thức mở đầu cho một công tác Tông đồ nào đó, rồi gắn liền buổi cầu nguyện với việc đi phục vụ thực sự, …
Vài điều cần lưu ý:
- Nên có phần chuyển tiếp giữa mỗi phần để chuẩn bị tinh thần cho người tham dự.
- Việc chuẩn bị, cắt đặt người phụ trách mỗi phần rất quan trọng để cho buổi cầu nguyện được trôi chảy và giữ được đúng không khí cầu nguyện, nhưng cùng một lúc trẻ trung và gần gũi.
- Không nên cho một người làm quá nhiều công việc. Phân công trong ban tổ chức để mỗi người hay mỗi nhóm phụ trách một việc khác nhau.
- Việc trang trí, trình bày hình ảnh, tượng ảnh, ánh sáng góp phần tạo không khí cầu nguyện.
- Phải đối thoại với chuyên gia chia xẻ Lời Chúa (Linh mục, Phó tế, ….) để giữ tính thống nhất trong ý nghĩa và chủ đề của buổi cầu nguyện.
- Chọn cung điệu bài hát, nhạc nền thích hợp với không khí mỗi phần: vui nhộn phần mở đầu và phần kết thúc, êm dịu lúc chuyển tiếp qua phần 2 hay phần 3, nhạc sâu lắng cho phần suy niệm, v.v…
- Giới trẻ thích cộng tác vào việc cầu nguyện hơn là ban tổ chức làm hết mọi việc và ngừơi tham dự chỉ ngồi đó thưởng thức. Nên ưu tiên những hoạt động đòi hỏi người tham dư ra tay, cộng tác hơn là ngồi xem trình diễn.