Saturday, May 2, 2009
Hoat Canh Giang Sinh 2006
Phần mở đầu
Khi Chúa dựng nên con người thuở ban đầu, con người theo lẽ tự nhiên phải yêu thương nhau vì mang cùng một bản tính là con của Thiên Chúa, và trước mặt Ngài, ai cũng có giá trị như nhau. Nhưng không biết từ thuở nào, những người con của Chúa lại muốn mình có quyền hành trên người anh em đồng loại khác. Từ thuở xa xưa đã có chế độ nô lệ chủ tớ. Văn hóa nào cũng có kẻ làm chủ và có người làm nô lệ. Một khi đã làm chủ rồi thì lại có quyền hành trên người dưới mình. Một khi đã làm nô lệ rồi thì mình không còn quyền lợi như một con người bình thường nữa. Điều đó cũng có nghĩa là đau khổ tồn tại, điều đó cũng có nghĩa đắng cay hiện hữu trong cuộc đời.
Thánh Kinh trong thời Cựu Ước cũng có những câu chuyện của nô lệ. Dân Israel bị nô lệ bởi vua Ai Cập qua mấy đời. Họ phải phục dịch nhà vua, xây dựng đền đài, nhà cửa công trình không công, trong khi phải ăn uống cực nhọc và ở những khu nghèo khổ. Sau khi Môise dẫn họ ra khỏi Ai Cập, kiếp nô lệ không chấm dứt ở đó. Tự do độc lập không được bao lâu lại phải làm nô lệ cho ngoại bang. Ngay cả khi Chúa ra đời, dân Israel vẫn là nô lệ của người La Mã. Câu kinh thường ngày trên môi người Israel luôn là: “Giavê ơi, chúng con phải đợi đến bao giờ? Bao giờ Đấng Cứu Thế mới đến?”
Đất nước Hoa Kỳ mà chúng ta đang định cư cũng có những trang sử đen tối của những đau khổ người da đen phải chịu đựng qua mấy trăm năm. Họ là những người từ châu Phi bị bắt cóc qua lao động cực nhọc trên những đồn điền sản xuất nông sản, làm phục dịch trong gia đình người da trắng, trong khi con cái không có quyền lợi học hành, tiêu dùng, để lớn lên lại tiếp tục làm nô lệ như thế hệ cha ông. Trong cùng cực, những câu than thở luôn là: “Bao lâu? Bao lâu chúng tôi phải chịu đựng trong đau khổ của kiếp nô lệ này?”
Trịnh Công Sơn có bài hát nói về kiếp nô lệ của người Việt Nam: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu; một trăm năm nô lệ giặc Tây ...” Mang thân phận một đất nước nhỏ bé cạnh bên những cường quốc, Việt Nam đến mấy ngàn năm phải làm nô lệ cho một đất nước khổng lồ như Trung Quốc. Lịch sử anh hùng của bao vị tiền nhân các thời vẫn sáng ngời, nhưng khó che dấu được nuớc mắt cay đắng của cái nhục làm nước nhược tiểu phải chịu thuần phục đại quốc xung quanh. Vết thương bị đô hộ bởi thực dân vẫn còn lãng vãng quanh đây, chưa đầy một thế kỷ để có thể chìm vào quên lãng, những tưởng thời đại mới sẽ đem lại tự do hoàn toàn. Nhưng vẫn có những đau khổ không thể nói nên lời và bàn bạc giữa công chúng, vẫn có những uất ức đến chảy nước mắt vẫn không làm gì được, tự do được nghe thấy mà không được cảm nhận, kinh tế đi lên mà phẩm giá cá nhân con người vẫn giậm chân tại chỗ so với bè bạn năm châu. Áo đẹp hôm nay có nhiều hơn để người ta mặc, nhưng lại có cả những cô gái mặc áo đẹp phải bán cả cuộc đời người con gái và hạnh phúc gia đình vì hoàn cảnh, và vì có quá nhiều những con người muốn lừa lọc lẫn nhau, muốn làm lời trên đau khổ của người khác. Miên mang trong những đau khổ, câu kinh không thành lời luôn bộc lộ qua những câu hỏi: “Chúa ơi, khi nào chúng con mới được thanh bình?”
“Giới trẻ”
Nhưng cũng có những thứ nô lệ của thời hiện đại, dù không làm người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên những cánh đồng lao động cực nhọc, nhưng cũng đem lại những đau khổ sâu thẳm nơi tận đáy cùng của tâm hồn và tinh thần của mỗi con người. Một thiếu niên lớn lên đi học, phải làm nô lệ cho một xã hội ảnh hưởng bởi phim ảnh và âm nhạc, mất tự do đến nỗi hành động của mình bị chi phối bởi những gì bạn bè cho là hay, là đúng. Sở thích và thị hiếu bị chi phối bởi những hình ảnh mà truyền hình quãng cáo là đẹp, là quý. Lớn lên và đi học, chăm chỉ học hành hay ngoan ngoãn vâng lời bị xem là cù lần, là không hợp thời đại. Giới trẻ còn có bị xiềng xích của những thói quen xấu, tưởng là đơn giản nhưng không thể nào thoát được. Rượu chè, hút sách hay bài bạc có thể chỉ bắt đầu từ những vui chơi xã giao rất hợp lý, nhưng ranh giới giữa hợp lý và nghiện ngập ít ai nhìn ra sớm được, hay nhìn ra rồi hỏi có dễ thoát khỏi thói quen hấp dẫn này không? Phim ảnh hay sách truyện vốn có thể giúp người ta giải trí hay nâng cao hiểu biết, nhưng những nghiện ngập trong phim ảnh hay sách truyện không lành mạnh có thể làm thay đổi cái nhìn của con người về phẩm giá của người khác, biến món quà tình cảm và tính dục Chúa ban thành những trò chơi thoả mãn dục tính, để chiếm hữu người khác cho lợi ích của riêng mình, hơn là đến gần nhau để yêu thương và xây dựng hạnh phúc. Đàng nào cũng là những nô lệ, nô lệ mình tự tạo cho mình hay nô lệ mình đặt lên cho những người khác. Cũng có những nô lệ của thói quen muốn buông thả, không muốn chịu khó vươn lên. Cũng có những nô lệ của một lối sống hưởng thụ cho chính mình hơn là sống để lo cho hạnh phúc của người khác. Những xiếng xích nô lệ thời hiện đại này vô hình, nhưng nặng hơn và khó bẻ gãy hơn xiềng xích bằng sắt trong lịch sử vì nó là nô lệ của cả một ý thức hệ và của cả một xã hội con người. Nhiều khi phải ngụp lặn trong vòng xiềng xích này, con người không thể nghĩ đến cả một câu cầu nguyện nào chính đáng để xin Chúa giúp đỡ. Nhưng lạy Chúa, Ngài hiểu rõ chúng con và thời đại chúng con, Ngài hiểu rõ chúng con cần Ngài sinh ra và ngự trị trong cuộc đời chúng con một lần nữa. “Xin hãy đến để giải thoát chúng con.”
“Người cô đơn”
“Bên sông Babylon ta ngồi khóc nỉ non, thương nhớ quê nhà Giêrusalem giờ đã xa rồi.” Nỗi đau xa nhà, lưu biệt viễn xứ, có thể không ai hiểu hơn bằng dân Israel. Lịch sử một dân tộc bị nô lệ, bị khổ sai, bị đi đày viết đầy lên trang sử của nước mắt, những câu than van trông mong một vị cứu tinh đến dẫn dắt dân tộc thoát ách lầm than.
Gần hai ngàn năm sau, vận mệnh của một đất nước khác đã dẫn đưa hơn hai triệu con dân đất Việt xa quê hương, lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Xa quê nhà để tìm tự do, xa quê nhà để đem lại tương lai sáng sủa hơn cho gia đình và cho con cháu mình mai sau. Babylon có hùng mạnh và đẹp hơn Giêrusalem bao nhiêu, người Israel vẫn ngồi than khóc vì thương nhớ. Ánh đèn xa lộ ở cường quốc Hoa Kỳ có sáng hơn ngọn đèn đầu ngõ chật hẹp Sài Gòn, người Việt Nam vẫn cảm thấy ngậm ngùi mỗi năm Tết về.
Con cháu thế hệ sau của người Việt tị nạn đang phấn đấu vươn lên, học hành thành công, đóng góp hữu ích cho xã hội bản xứ, xây dựng gia đình và các mối quan hệ xã hội rộng rãi. Nhưng trong những mái gia đình ăn cơm với nước mắm mỗi ngày đó, giọt lệ của người lớn tuổi cô đơn nghe xót xa vô cùng. Ngôn ngữ không phải của mình, tuổi đã qua làm sao học nỗi. Văn hóa không phải của mình, có nhộn nhịp sang trọng biết bao, nhưng làm sao có thể kiếm được sự thỏa mãn vui tươi. Con cái trong nhà, có cố gắng lắm mới giữ được mỗi bữa cơm gia đình, chứ còn trong ngày, kế sinh nhai phải dẫn chúng nó đi biền biệt. Những đứa cháu khôi ngô dễ thương nói thứ tiếng Việt nghe lơ lớ buồn cười, và cứ ngơ cái mặt ra mỗi khi bố mẹ ông bà nói một câu tiếng Việt nào với chúng. Câu chuyện trên điện thoại thỉnh thoảng nghe những tiếng thở dài xót xa cho người thân kẻ lạ nào đó vì hoàn cảnh phải vào ở trong nhà dưỡng lão một mình, xung quanh không lấy một ai hiểu được một thói quen rất đơn sơ: rằng thực phẩm của tôi mỗi ngày không thể thiếu cơm chan nước mắm. Ngồi một mình, chỉ mong có con có cháu đến chở mình đi thăm một gia đình quen người Việt Nam, hay cuối tuần đi chợ ngửi lại mùi mắm quen thuộc, và nghe lại câu kinh ê a mình đã học từ thuở nảo thuờ nào.
Vâng, Đấng Cứu Tinh ơi, ngày xưa dân Israel mấy trăm năm mong chờ Ngài đến, Ngài đã đến rồi, hơn hai ngàn năm qua, con cái của Ngài vẫn không ngừng rên xiết nỗi đau cô đơn. Đến, xin đến ôi Đấng Cứu Tinh!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment