Saturday, November 15, 2008

Lần về thăm quê hương


Lần cuối cùng tôi về thăm lại Việt Nam là mùa hè 2003, sau mười năm rời xa quê hương. Cái làm tôi nhớ nhất về chuyến thăm quê hương này là sự tái khám phá của tình người, tình người bình dị giữa thành viên gia đình, giữa bạn bè, giữa bà con lối xóm. Cái tình người man mác trong những ca khúc bất hũ của Trịnh Công Sơn, không ào ạt và ồn ào, nhưng da diết miên man, tuy vậy mà mãnh liệt và trường tồn, cũng giống như giá trị của chính những ca khúc của ông.

Tôi đến phi trường đã nữa đêm, một ngày trong tuần, có nghĩa là ngày hôm sau mọi người vẫn phải đến trường đến sở làm. Thế mà đón tôi tại phi trường là biết bao nhiêu bà con trong gia đình và vài đứa bạn thời Trung học. Ngày hôm sau tại nhà của bà ngoại tôi, vài đứa bạn khác đến chơi. Dĩ nhiên là tôi vui mừng khôn xiết, nhưng cái làm tôi xúc động nhất là chỉ cần tụi nó nhấc điện thoại di động ra nhấn nhấn vài cái, chỉ trong vòng 15 phút đến nữa tiếng, ngôi nhà ồn ào lên vì không biết từ ngóc ngách nào cả đám bạn thời Trung học kéo đến lũ lượt. Mười năm, không đứa nào còn hồn nhiên vô tư như những năm ngồi ghế nhà trường.
Mười năm, thời gian đủ để biết bao nhiêu biến đổi thay ngôi. Vậy mà tình bạn vẫn dạt dào và sốt sắng như ngày nào. Những ngày sau đó, lang thang cùng vài đứa chỗ này chỗ kia, sao tình bạn vẫn tha thiết, sao vẫn có cái gì mà lâu lắm rồi trên đất nước Hoa Kỳ sung túc này tôi không cảm được. Cái hồn người Việt chăng?

Có một buổi chiều tham quan Vịnh Hạ Long. Tôi đứng yên lặng trên boong thuyền nhìn ra xa thẳm. Máy thuyền êm ru, mặt nước trên vịnh phẳng lặng, những dãy núi yên lặng uy nghiêm. Trời chiều không nắng nhưng sáng trưng, không mưa nhưng lại thấy như mơ mơ hồ hồ. Cái tâm hồn Việt vốn có trong con người tôi hình như đánh hơi được cái gì thiêng liêng lắm đâu đây, bởi vì tôi bỗng thấy choáng ngợp, giống như say mà lại tỉnh thức hơn bình thường. Lúc đó, cái giọng đều đều của người hướng dẫn viên du lịch kể về truyền thuyết của Vịnh Hạ Long cho du khách nghe chợt đập vào tai tôi.

Truyền thuyết kể rằng thuở xưa, khi trần gian ngập tràn yêu ma quỷ quái phá quấy con người, giết hại tàn sát, thần Rồng tổ tiên người Việt trên thiên đình thương xót con cái đã dẫn con cháu rồng của mình xuống đánh đuổi yêu ma đi. Sau khi họ quay về thiên đình, quỷ ma lại kéo nhau quay lại tiếp tục quấy phá con người. Thần Rồng và con cháu lại lần nữa kéo xuống dẹp yêu ma. Nhưng cứ mỗi lần họ quay về thiên đình là yêu ma lại lộ đầu. Cuối cùng, thần Rồng và con cháu, vì yêu thương loài người, quyết định hóa thân thành những dãy núi lớn nhỏ khác nhau, xuống và ở lại luôn với con người để bảo vệ họ. Vì thế mà cái vịnh mang tên Hạ Long, và đầy những hòn núi lớn nhỏ rãi rác khắp nơi.

Và tôi chợt hiểu. Cái hồn Việt là ở đó. Là tình người, là yêu thương, là hy sinh, là chọn ở lại với nhau bất chấp thân phận.

Đó là hình ảnh của Thánh Thể trong tôn giáo Kitô.

Tôi là người Việt. Tôi là người mang hình ảnh Kitô. Gia tài vô giá của tôi là tình người.

Thursday, November 13, 2008

Xin chào


Mở blog này lâu rồi mà chưa viết trang nào. Thôi vài hàng làm tin coi như là chào bà con trên mạng vậy.

Tôi rời VN đã 15 năm rồi, nhưng vẫn nặng lòng với quê hương đất nước. Hỏi tôi còn nhớ và còn sinh hoạt giống VN trên đất Hoa Kỳ này không: cứ thử nói cái gì đó coi, chửi thề theo cách văn chương tôi cũng chửi được đừng nói chi ... giỡn thôi. Biết bao nhiêu thứ không nhớ lại nhớ chửi thề, hihi.

Tôi rời VN khi mới vừa tốt nghiệp Phổ thông Trung học, trường Hoàng Hoa Thám, q. Bình Thạnh, Sàigòn. Tôi nhớ gì nhất trong 3 năm đó ... đó là những tình bạn thắm thiết, những ngày phải học cả 2 xuất sáng chiều (lớp chuyên), những trận đá banh hay những cuộc đi chơi xa, những bài hát học sinh hay tình ca đám bạn nghêu ngao hát trong lớp, cây đàn ghi-ta và vở kịch đoạt giải I trong kỳ cắm trại năm 12, và những vần thơ tình tôi viết cho cô bạn ở lớp khác, viết rồi nhưng không dám gởi, chỉ dám đăng trên báo tường của khối, với hy vọng mấy đứa bạn thân biết xuất xứ của nó sẽ nói cho người ấy biết là bài thơ viết cho ai

Dáng em thơ thẫn đạp lá rơi

Sân trường bóng lặng chẳng nên lời
Dáng em nho nhỏ sân trường vắng
Lá rụng lòng anh nát tơi bời.

Đừng cười em nhé anh ngẩn ngơ
Mưa bay anh còn chẳng hững hờ
Em đi khập khễnh tim anh đão
Em về bỏ lại anh bơ vơ.

Tôi cảm hứng viết bài thơ này vào một buổi trưa giờ tan trường, năm 1992, nhìn em dắt chiếc xe đạp nho nhỏ như dáng em nho nhỏ, em thật sự đi khập khễnh hôm đó vì mới vừa bị tai nạn xe đạp ?! Biết mình thuộc loài người dễ xúc động, "mưa bay anh còn chẳng hững hờ," cho nên khi thấy em đi khập khễnh thì làm sao mà kìm lòng không điên đão cho được. Tội một cái hồi đó sao nhát quá, không dám ra bắt chuyện hỏi han, cứ đứng đó nhìn theo thót tim thót ruột, cho nên khi em đi rồi thì mới cảm thấy mình bị "bỏ lại anh bơ vơ."

Wow, giờ nghĩ lại sao hồi đó mình cũng lãng mạn dữ.