Saturday, November 15, 2008

Lần về thăm quê hương


Lần cuối cùng tôi về thăm lại Việt Nam là mùa hè 2003, sau mười năm rời xa quê hương. Cái làm tôi nhớ nhất về chuyến thăm quê hương này là sự tái khám phá của tình người, tình người bình dị giữa thành viên gia đình, giữa bạn bè, giữa bà con lối xóm. Cái tình người man mác trong những ca khúc bất hũ của Trịnh Công Sơn, không ào ạt và ồn ào, nhưng da diết miên man, tuy vậy mà mãnh liệt và trường tồn, cũng giống như giá trị của chính những ca khúc của ông.

Tôi đến phi trường đã nữa đêm, một ngày trong tuần, có nghĩa là ngày hôm sau mọi người vẫn phải đến trường đến sở làm. Thế mà đón tôi tại phi trường là biết bao nhiêu bà con trong gia đình và vài đứa bạn thời Trung học. Ngày hôm sau tại nhà của bà ngoại tôi, vài đứa bạn khác đến chơi. Dĩ nhiên là tôi vui mừng khôn xiết, nhưng cái làm tôi xúc động nhất là chỉ cần tụi nó nhấc điện thoại di động ra nhấn nhấn vài cái, chỉ trong vòng 15 phút đến nữa tiếng, ngôi nhà ồn ào lên vì không biết từ ngóc ngách nào cả đám bạn thời Trung học kéo đến lũ lượt. Mười năm, không đứa nào còn hồn nhiên vô tư như những năm ngồi ghế nhà trường.
Mười năm, thời gian đủ để biết bao nhiêu biến đổi thay ngôi. Vậy mà tình bạn vẫn dạt dào và sốt sắng như ngày nào. Những ngày sau đó, lang thang cùng vài đứa chỗ này chỗ kia, sao tình bạn vẫn tha thiết, sao vẫn có cái gì mà lâu lắm rồi trên đất nước Hoa Kỳ sung túc này tôi không cảm được. Cái hồn người Việt chăng?

Có một buổi chiều tham quan Vịnh Hạ Long. Tôi đứng yên lặng trên boong thuyền nhìn ra xa thẳm. Máy thuyền êm ru, mặt nước trên vịnh phẳng lặng, những dãy núi yên lặng uy nghiêm. Trời chiều không nắng nhưng sáng trưng, không mưa nhưng lại thấy như mơ mơ hồ hồ. Cái tâm hồn Việt vốn có trong con người tôi hình như đánh hơi được cái gì thiêng liêng lắm đâu đây, bởi vì tôi bỗng thấy choáng ngợp, giống như say mà lại tỉnh thức hơn bình thường. Lúc đó, cái giọng đều đều của người hướng dẫn viên du lịch kể về truyền thuyết của Vịnh Hạ Long cho du khách nghe chợt đập vào tai tôi.

Truyền thuyết kể rằng thuở xưa, khi trần gian ngập tràn yêu ma quỷ quái phá quấy con người, giết hại tàn sát, thần Rồng tổ tiên người Việt trên thiên đình thương xót con cái đã dẫn con cháu rồng của mình xuống đánh đuổi yêu ma đi. Sau khi họ quay về thiên đình, quỷ ma lại kéo nhau quay lại tiếp tục quấy phá con người. Thần Rồng và con cháu lại lần nữa kéo xuống dẹp yêu ma. Nhưng cứ mỗi lần họ quay về thiên đình là yêu ma lại lộ đầu. Cuối cùng, thần Rồng và con cháu, vì yêu thương loài người, quyết định hóa thân thành những dãy núi lớn nhỏ khác nhau, xuống và ở lại luôn với con người để bảo vệ họ. Vì thế mà cái vịnh mang tên Hạ Long, và đầy những hòn núi lớn nhỏ rãi rác khắp nơi.

Và tôi chợt hiểu. Cái hồn Việt là ở đó. Là tình người, là yêu thương, là hy sinh, là chọn ở lại với nhau bất chấp thân phận.

Đó là hình ảnh của Thánh Thể trong tôn giáo Kitô.

Tôi là người Việt. Tôi là người mang hình ảnh Kitô. Gia tài vô giá của tôi là tình người.

1 comment:

Anonymous said...

i like your "Ho^`n Viet" "Viet Soul"
and appreciate even more your Christian Viet Soul.
thanks brother!