Friday, October 9, 2009

Chuyên Môn trong TNTT (phần đầu)


Có một buổi tối nọ tôi dạo từ trang web này qua trang web khác trên Internet, khi đến Facebook, một diễn đàn dành cho bạn bè trao đổi tin tức, hình ảnh, phim nhạc … rất phổ thông ngày nay, một bản tin ngắn của một em gái lúc trước tôi dạy trong Nghĩa sĩ, bây giờ đã là freshman trong đại học, đập vào mắt tôi, “I don’t know how to make my bed, can someone teach me.” Tôi bông đùa gởi lại bản tin, “Miss know-it-all doesn’t know how to make her bed, shame!” Thành thực mà nói, lần đầu tiên sống xa nhà, tôi cũng đâu có biết xếp chăn dọn giường theo kiểu người ta thường làm ở Hoa Kỳ đâu, tại vì ở gia đình tôi cũng như các gia đình VN mà tôi biết, giường ngủ thường chỉ đơn giản một tấm khăn trải giường, một cái gối và một cái chăn, khi dọn giường buổi sáng chỉ cần xếp cái chăn lại là xong. Nhưng nếu để ý cách dọn giường tiêu chuẩn, như ở trong khách sạn, mỗi giường có một cái fitting sheet tròng vào tấm nệm, một cái sheet khác ngăn cách giữa người nằm và cái chăn, và thường trên cùng là một tấm phủ nữa, ...

Tối hôm đó rãnh rỗi, tôi ngồi nhớ lại mấy kiến thức và kỹ năng căn bản mà tôi phải tự mày mò học hỏi khi lần đầu tiên xa nhà, những cái nhiều khi rất phổ thông nhưng vì sống trong gia đình mình không để ý: cách dọn bàn cho một bữa ăn theo kiểu phương Tây, dùng nĩa và dao tay trái hay tay phải, cách viết check hay balance một cái check, trả bill điện thoại mỗi tháng, khi vào một thang máy đông người thì mình nên làm gì, đứng ở đâu, chờ xe điện thì mình lên trước hay là người trong xe xuống trước, viết thơ khiếu nại về một vấn đề khúc mắc gì đó lên State Representatives như thế nào, hẹn gặp người bận rộn hay có chức vị quan trọng ra sao, … hay là những chuyện buồn cười như: có nên nhắc một người lạ rằng anh ta quên kéo dây quần không và nên nhắc cách nào, hay nếu là một người phụ nữ sau bữa ăn quên xỉa răng, bạn phát hiện qua nụ cười hàm răng còn kẹt lại một cọng rau …

Đừng xem thường những kỹ năng và kiến thức nhỏ nhặt này. Một người bạn của tôi, một người rất thành công trong sự nghiệp, một lần nói, “Mấy cái kỹ năng căn bản của cuộc sống (cô ta dùng chữ “mechanics of life”) coi vậy chứ quan trọng lắm; người ta đánh giá mình lần đầu gặp mặt qua những cái kỹ năng và kiến thức căn bản đó.” Cứ tưởng tượng lần đầu tiên bạn được mời đến nhà dùng buổi tối với ông chủ chỗ bạn làm cùng với các nhân viên khác. Bạn lóng ngóng không biết phải ăn mặc ra sao cho phù hợp, có nên mua quà không, vào nhà có nên cởi áo khoát và treo ở đâu, chào ai trước, vào bàn ăn lúc nào, hoặc thí dụ có một món ăn bạn không thể ăn được thì từ chối khéo ra sao, … chỉ cần 5 phút thôi thì bạn sẽ cảm thấy mình giống như một đứa trẻ mới lớn, lóng nga lóng ngóng, chờ người khác lo cho mình, và dĩ nhiên là ông chủ và các đồng nghiệp cũng sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó.

Tôi bắt đầu vào dòng Don Bosco khi tôi khoảng 21 tuổi. Các nhà dòng thường lưu tâm đào tạo nhân bản cho các thành viên mới nhập dòng, kể cả những lịch sự căn bản như tôi kể trên. Sau này khi ra đời, tôi may mắn có nhiều bạn bè Huynh trưởng TNTT hay Hướng đạo làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, giúp tôi những kỹ năng và kiến thức mà tôi không học được trong nhà dòng, như balance check, mở credit card, mua xe, bảo trì và sửa chữa xe căn bản, cách ăn mặc khi đi nhà hàng hay đi club, …

Mỗi xã hội có một nguyên tắc xã giao và ứng xử khác với các xã hội khác. Đời sống văn minh càng cao thì lại càng đòi hỏi thành viên những kiến thức và kỹ năng sống cao. Nhắc lại em gái Nghĩa sĩ tôi nói đến lúc nãy, chúng tôi tối hôm đó tranh cãi trên email về đề tài này. Em thì nói rằng hồi đó đâu có ai dạy em dọn giường theo kiểu Mỹ đâu cho nên em không biết, tôi thì đùa rằng mấy chuyện đó khỏi dạy cũng biết … Thật ra, em đó nói đúng: hoàn cảnh một thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên ở Hoa Kỳ, khi còn nhỏ chịu ảnh hưởng chủ yếu của gia đình Việt Nam của mình, cho nên không thể trách các em được khi các em đã 18 tuổi mà không biết cách dọn bàn cho một bữa ăn theo kiểu người phương Tây, hay dọn giường theo kiểu khách sạn. Thường là trong quá trình trưởng thành, giao tiếp bạn bè đồng nghiệp, những kỹ năng căn bản này phần lớn cũng sẽ dần dà học được. Nhưng đối với một người có trách nhiệm trong việc giáo dục, là cha mẹ, cô chú bác, là thầy cô, là huynh trưởng, … chúng ta phải thật sự suy nghĩ và đặt ra một kế hoạch cụ thể để, để qua công tác giáo dục huấn luyện của mình, chúng ta trao cho các em hành trang vào đời là những kiến thức và kỹ năng căn bản rất cần thiết cho cuộc sống trong một xã hội văn minh như hiện tại.


Đọc phần cuối



No comments: