Đọc phần đầu
Sau lần nói chuyện với em Nghĩa Sĩ đó, tôi nhìn lại Chương Trình Thăng Tiến hiện hành của phong trào TNTT của chúng ta, đặc biệt là phần Chuyên Môn. Trong những buổi sa mạc huấn luyện hay sa mạc vui chơi, tôi rất thích hành trình đức tin, vì qua đó những kiến thức chuyên môn được đem ra thực hành một cách tối đa: nút dây, dấu đường, mật thư, morse, semaphore, cứu thương, v.v… Có một số Huynh trưởng ở những miền có con số thành viên cao, tôi thường nể phục họ vì khả năng chuyên môn của họ. Có những trưởng thổi morse thành thục như những anh lính trong các phim chiến tranh thế giới lần thứ hai, có những trưởng đánh semaphore nhanh như gió đến nỗi đôi lúc tôi tự hỏi không biết có bịa ra thêm không, vì có bịa thì tôi cũng không tài nào bắt được. Các em nhỏ sau này, ngược với suy nghĩ của tôi, thường rất thích thú trong mấy cái môn này, vì trong cuộc sống hàng ngày của xã hội Hoa Kỳ hiện đại của các em, những kỹ năng đó hầu như biến mất, cho nên thị hiếu đối với cái lạ lại hấp dẫn các em với mấy cái môn này. Một sa mạc Thiếu Nhi mà thiếu đi các cơ hội sử dụng kỹ năng chuyên môn theo kiểu TNTT thì cảm thấy mất mát một cái gì đó lớn lắm. Khi tôi đi cắm trại với đám bạn ngoài TNTT, hay đám bạn Mỹ, tụi nó thường nể tôi lắm vì tôi biết cách cột dây giăng lều bạt một cách thành thạo và bảo đảm, hay biết đến vài kỹ năng cứu thương sơ cấp …
Nhưng vấn đề tôi nêu ra ở đây là: những kiến thức Chuyên Môn của Chương trình Thăng Tiến hiện hành có thể cung cấp tối đa những kỹ năng sống cơ bản cho một thiếu niên trưởng thành vào đời ngày nay hay không. Nếu ta lấy một em Nghĩa Sĩ cấp III làm ví dụ, giả như em đã theo đuổi Chương trình Thăng Tiến từ những năm Ấu Nhi, sau khi "tốt nghiệp," đã thành thục những khả năng chuyên môn do TNTT đào tạo, liệu em đó khi hội nhập vào cuộc sống xã hội Hoa Kỳ còn phải gặp những lúng như của em Nghĩa Sĩ tôi kể đến, hay của chính tôi trong lần tôi xa nhà đầu tiên đó? Theo tôi, mẫu thiếu nhi lý tưởng đó: thuần thục các kiến thức chuyên môn học được trong TNTT, chỉ có thể trở thành sa mạc sinh xuất sắc mà thôi; còn năm đầu sống nội trú trong đại học, hay lần đầu tiên đi dự tiệc quan trọng với ông chủ của mình, em sẽ cảm thấy mình lúng túng, thiếu thốn kiến thức rất nhiều. Những đề tài trong phần Chuyên Môn TNTT ngày hôm nay không còn phục vụ mục đích "kỹ năng tự nhiên" nữa, mà đã trở thành kỹ năng cho các trò chơi của TNTT rồi. Không biết các Huynh trưởng khi dạy trò chơi và dạy Chuyên môn, họ có nhận ra sự khác nhau đó không.
Phong trào TNTT lấy nhiều cảm hứng và học hỏi nhiều cách thức điều hành, và vay mượn nhiều nội dung đào tạo và trò chơi từ phong trào Hướng Đạo. Nhất là trong phương pháp đào tạo tự nhiên, và trong mục đích đào tạo thành viên trở thành người công dân có ích cho xã hội. Cả phong trào Hướng Đạo phong trào TNTT đều ra đời vào hoàn cảnh chiến tranh, trong tình trạng xã hội không được ổn định như ngày hôm nay. Đối với một thiếu niên lớn lên trong thời gian đó, nhập ngũ và phục vụ trong quân đội là một dự tính không xa lạ gì cho lắm, vì phần lớn cha anh của các em đều phải như vậy. Vị sáng lập phong trào Hướng Đạo, Baden-Powell, là một sĩ quan trong quân đội Anh Quốc, cho nên ông muốn phong trào của ông đào tạo những thành viên trở nên những người thành thục trong các kỹ năng cần thiết cho một người hướng đạo, một người dẫn đường, một trinh sát viên trong quân đội: nút dây, dấu đi đường, mật thư, cứu thương, v.v... Cho nên khi phong trào TNTT bắt đầu thành lập và phát triển trong giai đoạn chiến tranh đang tiếp diễn ở Việt Nam, tôi thiết nghĩ các vị lãnh đạo phong trào đầu tiên đã sáng suốt khi quyết định tiếp thu truyền thống giáo dục kỹ năng theo kiểu Hướng Đạo. Một thiếu niên thành thục những kỹ năng chuyên môn như một anh trinh sát, một người dẫn đường trong bối cảnh lịch sử đất nước như vậy là một thiếu niên tháo vát, và hữu ích cho cá nhân, cho cộng đồng, cho xã hội.
Thiên niên kỷ thứ ba, đặc biệt là ở hoàn cảnh sống của xã hội Hoa Kỳ không còn giống như của ở Việt Nam khi TNTT mới ra đời nữa. Khi định nghĩa kỹ năng chuyên môn sống một người cần phải có để trở thành người hữu ích cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, câu trả lời không thể chỉ là nút dây, dấu đi đường, morse code, v.v... được nữa. Dĩ nhiên khi gạn lọc các kỹ năng truyền thống của TNTT, một số vẫn còn nguyên giá trị thực dụng của nó: cứu thương, nút dây, dựng lều là một vài ví dụ điển hình nhất. Những môn còn lại phần lớn chỉ còn giá trị sử dụng trong các trò chơi và sinh hoạt của TNTT mà thôi.
Tôi không muốn hoàn toàn loại bỏ những gì trước giờ phong trào vẫn dạy các em trong bộ môn Chuyên Môn, nhưng tôi muốn đề nghị một cái nhìn thực tế, và những điều chỉnh cần thiết. để Chuyên Môn thực sự đem lại lợi ích trong việc đào tạo trưởng thành một thành viên TNTT trong xã hội hiện đại.
Chương trình huấn luyện đoàn viên của Hướng Đạo ngày hôm nay đã thêm rất nhiều những kỹ năng chuyên môn của đời sống xã hội văn minh, chẳng hạn như quản lý tài chánh cá nhân (personal finance), kiến thức về chính quyền dân sự (Civil Education, government), vào đại học và những vấn đề liên quan (college application, scholarships), bảo trì xe (car maintenance), xin việc làm (job application), v.v...
Tôi nghĩ chúng ta một lần nữa nên nhìn vào tổ chức Hướng Đạo để học hỏi, tiếp thu những bổ sung quan trọng này. Điều chỉnh để hoàn chỉnh Chương trình Thăng Tiến là một nhiệm vụ quan trọng giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ đào tạo thanh thiếu niên Việt Nam trở thành những công dân hữu ích cho cộng đồng, xã hội và Giáo hội.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment