Trong lớp Fundamental Theology tuần này, tôi phải viết một bài giảng đoạn Thánh Kinh về bà Maria Madalena gặp Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại (Jn 20: 11-18). Sau khi đọc qua đoạn TK này và một vài chú giải Kinh Thánh hồi tuần trước, tôi bắt tay vào viết ngay, chỉ trong vòng hơn một ngày là tôi đã viết và hoàn chỉnh lại bài để đem đi nộp. Những tưởng bài viết đã hoàn chỉnh rồi, nhưng bà Giáo sư nói tôi phải viết lại vì phương cách soạn bài giảng và những nguồn dẫn chứng tôi dùng không đúng với ý của bà ta. Tôi hơi thất vọng, và hơi bực mình vì công khó đọc bài và viết bài trong hai ngày của tôi thành công cốc. Bây giờ thì tôi đã viết xong và nộp lại bài thứ hai rồi. Nhìn lại sự cố nho nhỏ này mà tôi lại học được nhiều điều, và cũng làm cho tôi trăn trỡ một số câu hỏi khác.
- Đời có những sự việc không nằm trong sự dự đoán và sắp xếp của mình. Tôi dự định là hoàn thành bài viết đó sớm để bắt đầu lo ôn thi, hoặc nghỉ xả hơi một tí trong tuần này để lấy sức thi tuần tới. Bây giờ trách bà giáo sư hay trách mình. Đúng ra thì chả có ai để mà trách. Chỉ biết bình tâm một chút để nhận ra rằng, đời có những sự việc không nằm trong sự dự đoán và sắp xếp của mình. Cứ bình an với nó.
- Nhưng mà chính trong sự cố hơi khó chịu đó, tôi lại học được vài điều hay. Dĩ nhiên là khi làm một bài tập hai lần, với hai lần nghiên cứu sách vở khác nhau, thì tôi học hỏi thêm rất nhiều điều hay. Để biết là trong một đoạn TK ngắn ngủi như vậy nhưng hàm chứa biết bao là chân lý cao đẹp và biết bao chuyện tình yêu ngọt ngào. Tôi sẽ tóm tắt nội dung 2 bài giảng vào một dịp sau để bạn đọc có thể tham khảo.
- Sự cố này cũng làm cho tôi suy nghĩ nhiều về việc rao giảng Tin Mừng. Dĩ nhiên có nhiều cách thức rao giảng khác nhau, nhưng phải chọn cách rao giảng nào để sự phong phú và thâm sâu của Tin Mừng được lột tả. Như thế thôi chưa đủ, phải chọn một cách thức nào để người nghe có thể nắm bắt được ý mình muốn nói. Khi chọn lối đi truyền thống của GH Công Giáo trong việc giảng giải TK, có nghĩa là dựa trên kinh nghiệm bản thân và cộng đồng, dựa vào truyền thống và lịch sử trong GH liên quan đến đoạn TK đó, dựa vào những kết quả nghiên cứu chuyên môn nghiêm túc của khoa Thánh Kinh ..., và dựa vào Giáo huấn của GH, thì bài giảng sẽ rất xúc tích và tràn đầy những ý nghĩa rất thâm sâu, thật sự có sức hoán cải đời sống.
Nhưng trong giới hạn của thời gian và hoàn cảnh của người nghe, tôi phải làm một sự chọn lựa khác. Đi theo p/p truyền thống thì sẽ bảo đảm sự phong phú và sâu sắc của nội dung, nhưng tôi phải đành đặt hàng thứ yếu phương cách giảng và đối tượng tôi giảng. Nói đến đây là nói đến cả một thế giới khác. Đối tượng nghe tôi giảng ngồi nghe trong 10 phút đồng hồ, nhưng trong đầu và trong tâm tư họ là cả một thế giới với những ưu tư, lo lắng, buồn vui và một nhịp tim khác. Làm sao để nói mà họ cảm được đây. Nội dung có sâu sắc, nhưng nếu họ không thấy liên quan gì đến thế giới riêng của mình, thì nội dung sâu sắc cũng chỉ là nội dung sâu sắc trong kiến thức, chẳng có sức sống thay đổi con người.
Tôi đã từng là thầy giáo, giảng viên cho giới trẻ và cả người lớn, tôi hiểu được tầm quan trọng của cả hai yêu cầu này. Quan trọng hơn nữa, rao giảng một Tin Mừng có tiềm năng hoán cải cuộc sống, tôi thấy trăn trở này càng hệ trọng hơn nữa.
Cho nên tôi cứ mãi kiếm tìm một cách thức.
No comments:
Post a Comment