Wednesday, December 10, 2008

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của tôi (Phần 2)

Xem phần 1



Giáo dục Tự nhiên và Giáo dục Siêu nhiên

Ai đã sống ở Atlanta hơn mười năm có lẽ vẫn còn nhớ có một dạo cộng đồng Việt Nam phải đối mặt với một nỗi nhức nhối của thời đại: nạn băng đảng thanh thiếu niên. Dù chỉ kéo dài trong vòng 5-6 năm, nhưng nó đã làm biết bao gia đình buồn phiền ưu tư, và dấy lên một nỗi lo lắng dằn vặt cho những bậc làm cha mẹ, hay những bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ. Băng đảng thanh thiếu niên trong giai đoạn đó có thể nói là một hiện tượng đương nhiên phát sinh từ làn sóng di dân ồ ạt chỉ trong vòng vài năm.

Phần lớn các em này định cư với gia đình khi đã bắt đầu vào tuổi thiếu niên, lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè trang lứa.
Những em thuộc thế hệ này, nếu có khả năng học hành thì dễ dàng chú tâm vào chuyện học hành, nhưng nếu không thể theo kịp chương trình học với một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, các em thường thấy mình tụt hậu và dễ dàng chán nản trong việc trường lớp. Trong khi đó, gia đình các em vì mới định cư, nhu cầu cơm ăn áo mặc bắt buộc bố mẹ anh chị phải bương chải ngay với công ăn việc làm cho nên ít giờ săn sóc con em. Phần nữa, chính họ cũng bỡ ngỡ trong cuộc sống mới, ngôn ngữ mới, văn hóa mới. Dù thương con và muốn dạy dỗ hướng dẫn cũng khó lòng vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Thời giờ các em dành cho bạn bè nhiều hơn thời giờ dành cho việc học hành và những sinh hoạt gia đình giữa cha mẹ và con cái. Những cuộc vui chơi vô hại giữa bạn bè ban đầu dễ dàng bị những ảnh hưởng xấu lôi kéo. Nạn nhân chính là các em ở lứa tuổi non nớt, bị lôi cuốn theo lối sống và hành vi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đôi khi là những hành vi phạm pháp hình sự. Công bình mà nói thì con số này không là bao so với con số các em ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ, đạt được những thành tích xuất sắc trong khắp các trường các em theo học. Người Việt chúng ta có thể tự hào vì truyền thống giáo dục, cha mẹ biết lo lắng hy sinh cho con em, và luôn đặt trọng tâm vấn đề giáo dục văn hóa.

Những tin xấu về băng đảng thỉnh thoảng dấy lên như những hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm trong việc giáo dục. Cha mẹ trở nên cẩn thận hơn trong việc dung hòa giữa trách nhiệm kinh tế gia đình và trách nhiệm dưỡng dục con cái. Các bậc lãnh đạo cộng đoàn chú tâm nhiều hơn đến giới trẻ, đã chú tâm đầu tư vào những chương trình giáo dục nhiều hơn.


Chính trong hoàn cảnh chung của cộng đồng này mà phương pháp “giáo dục tự nhiên” của phong trào TNTT trở nên hiển nhiên đối các thành viên của phong trào và là một đáp ứng nhu cầu của tuổi thanh thiếu niên. Những sinh hoạt vui chơi xem có vẻ vô thưởng vô phạt hàng tuần, những thanh niên thiếu nữ trong màu khăn đỏ trông có vẻ vô tư vô hại lại tạo được một môi trường cho các em trong Giáo xứ được vui chơi lành mạnh, bạn bè trang lứa gặp nhau mà chính bố mẹ cảm thấy rất yên lòng. “Trò chơi của trẻ em là việc làm của người lớn”, vì chính các Huynh trưởng và những người hữu trách phải sửa soạn cẩn trọng những món ăn tinh thần phong phú cho các em qua những trò chơi, băng reo, ca hát v.v…

Không ít các em lúc đầu nghi ngờ và chống đối cái nề nếp kỷ luật trong phong trào, chỉ vài năm sau tự nguyện đăng ký đi huấn luyện để trở thành Huynh trưởng. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những lý do chủ chốt mà ngay chính đương sự nhiều khi cũng không nhận ra: đoàn TNTT đã tạo được một cộng đoàn mà trong đó tình cảm gia đình trở thành hiển nhiên. Các em tìm được nơi bạn bè và Huynh trưởng những tình cảm chân thật, những người biết yêu thương, lo lắng cho nhau, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, và có nhiều những gương mẫu đáng noi theo trong việc học hành, làm ăn, hay trong cuộc sống ngoài đời và trong đời sống tâm linh. Ngoài những sinh hoạt truyền thống, các em cũng có những cuộc du ngoạn, những chuyến picnic, những kỳ đại hội, cắm trại toàn quốc, cũng như những buổi đi xem phim, shopping chung với nhau, ăn uống ngoài tiệm hay tại nhà một Huynh trưởng nào đó, những sinh hoạt văn nghệ thể thao vào những kỳ lễ lớn của Giáo Xứ,… tất cả đã tạo được cái trẻ trung và sức sống vui tươi lành mạnh của một hội đoàn Công Giáo tiến hành cho giới trẻ. Có lẽ lời của vị thánh trẻ Dominico Savio nói lên được cái tính cách của phong trào: “Nơi đây, việc nên thánh hệ tại ở việc sống vui tươi;” hay lời của chính nhà sư phạm đại tài của giáo hội, thánh Don Bosco và thánh Philip Nêri: “Các con cứ chạy nhảy, la hét, vui chơi, miễn là đừng phạm tội.”


Một sứ mạng thứ hai đối với giới trẻ trong Giáo xứ cũng không kém phần quan trọng là sứ mạng giáo dục siêu nhiên. Các Huynh trưởng TNTT hôm nay không phải gánh hết trách nhiệm dạy Giáo lý và Thánh Kinh cho các em nữa vì trong Giáo xứ đã có một chương trình Giáo lý riêng với một đội ngũ Giáo lý viên riêng rất nhiệt thành rất yêu thương các em.

Trong những sinh hoạt hàng tuần, ngoài những bài học dạy về phong trào, các Huynh trưởng cố gắng giúp cho các em cảm nghiệm được những bài học về Lời Chúa trong Thánh Kinh và về đời sống tôn giáo qua những trò chơi, những sinh hoạt, những cuộc cắm trại, những bài múa hát hay vở hoạt cảnh vui tươi. Một ví dụ cụ thể: trò chơi đi tìm kho báu là một trò chơi rất phổ thông trong các cuộc cắm trại. Nhưng trong một kỳ trại của TNTT, trò chơi được gọi là hành trình đức tin, trong đó những câu chuyện, những nhân vật, những thử thách, những nhiệm vụ phải hoàn thành đều dựa hoàn toàn trên những bài học từ Thánh Kinh.

Phong trào cũng chú tâm trong việc khuyến khích các em hướng về đời sống Bí Tích, nhất là Bí Tích Mình Thánh Chúa và Bí Tích Giải Tội. Chính vì vậy mà Thánh lễ, chầu Mình Thánh, và đêm Hòa Giải là những phần không thể thiếu được trong những sinh hoạt cắm trại của đoàn TNTT. Các Huynh trưởng đã có truyền thống họp mặt nhau mỗi tối thứ Năm đầu tháng để cùng chia sẻ với nhau những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, và cùng tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể qua nghi thức chầu trọng thể. Chính bằng nguồn sống thiêng liêng này mà đoàn TNTT tìm được chiều sâu thật cho những sinh hoạt tự nhiên của mình.



Xem tiếp phần 3



No comments: