Thursday, December 11, 2008

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của tôi (Phần 3, hết)

Xem phần 1
Xem phần 2



Ưu tư trong hiện tại, viễn tượng trong tương lai

Giới trẻ tự bản chất là lứa tuổi của thay đổi. Xã hội hiện đại Hoa Kỳ là xã hội thay đổi về bản chất, giá trị hàng ngày. Vì thế giới trẻ của xã hội Hoa Kỳ, hay cụ thể hơn, giới trẻ Việt Nam với những nhu cầu tâm lý, tình cảm, kiến thức, nhân cách luôn bị cuốn vào vòng xoáy mãnh liệt của sự thay đổi. Dù muốn hay không, các bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ phải nhận ra sự thật đó, và từ đó vạch ra những chương trình giáo dục phù hợp và hữu hiệu cho sự phát triển toàn diện của các em. Phong trào TNTT cũng phải biết nhìn ra điều đó và tự thay đổi, thăng tiến hầu hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình. Có một vài ưu tư và viễn tượng chính nên được đề cập đến ở đây:

Phần lớn các em thiếu nhi hiện nay là thành phần sinh trưởng tại Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là nền tảng giá trị, cách suy nghĩ lý luận, cách ứng xử trong xã hội, các tập tục văn hóa, thói quen và ý thích của các em chịu ảnh hưởng chủ chốt bởi nền văn hóa sở tại Hoa Kỳ. Nó rất khác với nền văn hóa và giáo dục đã ảnh hưởng phần lớn thế hệ Huynh trưởng lãnh đạo hiện nay. Đối với một trẻ em, ảnh hưởng gia đình có thể đóng vai trò chủ đạo khi các em còn tuổi thơ ấu, nhưng bắt đầu từ tuổi Ngành Thiếu (12-13 tuổi) trở đi, gia đình mất dần ảnh hưởng của mình, thay vào đó là ảnh hưởng của xã hội thể hiện qua bạn bè, trường học, phim ảnh, và Internet. Những em nào nhiệt tình tham gia vào những sinh hoạt giới trẻ tại Giáo xứ thì chịu ảnh hưởng bởi văn hóa giới trẻ của Giáo xứ qua linh mục, thầy cô, huynh trưởng, nhưng phải nhận ra rằng nguồn ảnh hưởng này chỉ là một trong muôn vàn những nguồn ảnh hưởng khác trong cuộc sống của các em. Điều cần thiết có phải là chương trình giáo dục của Giáo xứ và của phong trào TNTT cùng với các gia đình tích cực nhập cuộc hơn nữa trong việc tạo thêm môi trường sống đạo sinh động giúp ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và giá trị luân lý của các em. Cầm quân phải biết sức mình và biết sức của đối thủ. Câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta có thật sự biết được thực lực của mình (gia đình, Giáo xứ, phong trào TNTT), và biết được thực lực của “đối thủ” (phim ảnh, Internet,...) chưa, để đề ra những phương cách giáo dục hữu hiệu?


Hiện trạng chất lượng của chương trình huấn luyện Huynh trưởng hiện nay ra sao? Giáo dục là một công trình quan trọng, nhất là giáo dục đức tin cho trẻ em. Vì thế người trực tiếp giáo dục các em phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho việc giáo dục một cách hiệu quả. Hoàn cảnh sống và lớn lên của các em mà phong trào TNTT phục vụ thay đổi hàng ngày, vì thế kiến thức và kỹ năng phải được thường xuyên đánh giá và cập nhật hóa để đáp ứng được nhu cầu của các em. Chúng ta được may mắn sống ở đất nước Hoa Kỳ, một đất nước với rất nhiều cơ hội học hỏi nghiên cứu chuyên môn trong hầu như bất cứ lãnh vực nào. Trong xã hội và Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, có rất nhiều các khóa tu nghiệp, đại hội, khóa học ngắn hạn và nhiều chương trình, hình thức huấn luyện khác nhau nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết và huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho những người làm công tác giáo dục đức tin cho giới trẻ. Nhưng liệu phong trào TNTT nói chung và Đoàn tại cộng đoàn Giáo xứ nói riêng, có thấy được cái nhu cầu các Huynh trưởng cần được huấn luyện trong lĩnh vực này hay không, và một khi đã thấy ra được rồi, liệu có dám đầu tư cho việc huấn luyện này hay không lại là một vấn đề khác.

Huynh trưởng là người phục vụ cho các em thiếu nhi, nhưng chính Huynh trưởng cũng là những người trẻ cần được huấn luyện và chăm sóc về mặt tâm linh. TNTT là một phong trào Công Giáo Tiến Hành, một phong trào với mục đích đoàn ngũ hóa và thăng tiến tâm linh cho giới trẻ Việt Nam, nhưng rất dễ cho một đoàn Thiếu Nhi như ở Giáo xứ của chúng ta đi vào một trong hai thái cực: trở thành một nhóm trẻ tụ tập chơi vui, giống hình thức một câu lạc bộ của những người có cùng ý thích và cùng việc làm; hoặc là đoàn trở thành một nhóm thiện nguyện chuyên làm việc cho Giáo xứ. Mặc dù không có gì xấu trong hai khuynh hướng trên, nhưng mục tiêu chính của đoàn TNTT là giúp giới trẻ thăng tiến trong đời sống xã hội và đời sống đức tin. Nói một cách khác, nếu đi đúng đường lối và mục đích, những sinh hoạt của đoàn phải dẫn đến sự trưởng thành nhân bản và đức tin không những nơi các em nhỏ, mà chính còn ở nơi các Huynh trưởng là người chịu trách nhiệm săn sóc các em. Thiếu sự chăm sóc và huấn luyện về tâm linh, rất dễ dàng cho những Huynh trưởng, vốn là chính những người tuổi còn trẻ đi vào một trong hai khuynh hướng trên, và làm mất đi căn tính thật của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.


Lời kết

Có đâm rễ sâu thì cành mới vươn cao được. Sự thay đổi thường đem lại sức sống mới, hăng say mới, nhưng sự thay đổi cũng mang cái nguy hiểm của sự mất thăng bằng và mất trọng tâm. Giống như một cành cây muốn vươn cao cần phải có gốc rễ bám sâu vào lòng đất, đoàn TNTT muốn thật sự vào đời để đem Tin Mừng vào trong cuộc sống của mỗi người trẻ phải biết bám rễ thật sâu vào nguồn sống thật của mình: Chúa Giêsu Thánh Thể. Mỗi thành viên trong Đoàn, nhất là thành phần lãnh đạo, cần phải mặc lấy cuộc sống Thánh Thể, để “Thánh Thể” không chỉ còn là một danh xưng của hội đoàn, nhưng thật sự là một lối sống: lối sống của yêu thương, lối sống của hy sinh phục vụ, lối sống của sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và siêu nhiên trong cuộc sống hàng ngày, lối sống của những người biết đặt trọng tâm là Chúa trong cuộc đời của mình.


Trưởng Nguyễn John-Bosco Trí
July 2008



No comments: