Giới trẻ tự bản chất là lứa tuổi của thay đổi. Xã hội hiện đại Hoa Kỳ là xã hội thay đổi về bản chất, giá trị hàng ngày. Vì thế giới trẻ của xã hội Hoa Kỳ, hay cụ thể hơn, giới trẻ Việt Nam với những nhu cầu tâm lý, tình cảm, kiến thức, nhân cách luôn bị cuốn vào vòng xoáy mãnh liệt của sự thay đổi. Dù muốn hay không, các bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ phải nhận ra sự thật đó, và từ đó vạch ra những chương trình giáo dục phù hợp và hữu hiệu cho sự phát triển toàn diện của các em. Phong trào TNTT cũng phải biết nhìn ra điều đó và tự thay đổi, thăng tiến hầu hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình. Có một vài ưu tư và viễn tượng chính nên được đề cập đến ở đây:
Phần lớn các em thiếu nhi hiện nay là thành phần sinh trưởng tại Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là nền tảng giá trị, cách suy nghĩ lý luận, cách ứng xử trong xã hội, các tập tục văn hóa, thói quen và ý thích của các em chịu ảnh hưởng chủ chốt bởi nền văn hóa sở tại Hoa Kỳ. Nó rất khác với nền văn hóa và giáo dục đã ảnh hưởng phần lớn thế hệ Huynh trưởng lãnh đạo hiện nay. Đối với một trẻ em, ảnh hưởng gia đình có thể đóng vai trò chủ đạo khi các em còn tuổi thơ ấu, nhưng bắt đầu từ tuổi Ngành Thiếu (12-13 tuổi) trở đi, gia đình mất dần ảnh hưởng của mình, thay vào đó là ảnh hưởng của xã hội thể hiện qua bạn bè, trường học, phim ảnh, và Internet. Những em nào nhiệt tình tham gia vào những sinh hoạt giới trẻ tại Giáo xứ thì chịu ảnh hưởng bởi văn hóa giới trẻ của Giáo xứ qua linh mục, thầy cô, huynh trưởng, nhưng phải nhận ra rằng nguồn ảnh hưởng này chỉ là một trong muôn vàn những nguồn ảnh hưởng khác trong cuộc sống của các em. Điều cần thiết có phải là chương trình giáo dục của Giáo xứ và của phong trào TNTT cùng với các gia đình tích cực nhập cuộc hơn nữa trong việc tạo thêm môi trường sống đạo sinh động giúp ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và giá trị luân lý của các em. Cầm quân phải biết sức mình và biết sức của đối thủ. Câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta có thật sự biết được thực lực của mình (gia đình, Giáo xứ, phong trào TNTT), và biết được thực lực của “đối thủ” (phim ảnh, Internet,...) chưa, để đề ra những phương cách giáo dục hữu hiệu?
Hiện trạng chất lượng của chương trình huấn luyện Huynh trưởng hiện nay ra sao? Giáo dục là một công trình quan trọng, nhất là giáo dục đức tin cho trẻ em. Vì thế người trực tiếp giáo dục các em phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho việc giáo dục một cách hiệu quả. Hoàn cảnh sống và lớn lên của các em mà phong trào TNTT phục vụ thay đổi hàng ngày, vì thế kiến thức và kỹ năng phải được thường xuyên đánh giá và cập nhật hóa để đáp ứng được nhu cầu của các em. Chúng ta được may mắn sống ở đất nước Hoa Kỳ, một đất nước với rất nhiều cơ hội học hỏi nghiên cứu chuyên môn trong hầu như bất cứ lãnh vực nào. Trong xã hội và Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, có rất nhiều các khóa tu nghiệp, đại hội, khóa học ngắn hạn và nhiều chương trình, hình thức huấn luyện khác nhau nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết và huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho những người làm công tác giáo dục đức tin cho giới trẻ. Nhưng liệu phong trào TNTT nói chung và Đoàn tại cộng đoàn Giáo xứ nói riêng, có thấy được cái nhu cầu các Huynh trưởng cần được huấn luyện trong lĩnh vực này hay không, và một khi đã thấy ra được rồi, liệu có dám đầu tư cho việc huấn luyện này hay không lại là một vấn đề khác.
Huynh trưởng là người phục vụ cho các em thiếu nhi, nhưng chính Huynh trưởng cũng là những người trẻ cần được huấn luyện và chăm sóc về mặt tâm linh. TNTT là một phong trào Công Giáo Tiến Hành, một phong trào với mục đích đoàn ngũ hóa và thăng tiến tâm linh cho giới trẻ Việt Nam, nhưng rất dễ cho một đoàn Thiếu Nhi như ở Giáo xứ của chúng ta đi vào một trong hai thái cực: trở thành một nhóm trẻ tụ tập chơi vui, giống hình thức một câu lạc bộ của những người có cùng ý thích và cùng việc làm; hoặc là đoàn trở thành một nhóm thiện nguyện chuyên làm việc cho Giáo xứ. Mặc dù không có gì xấu trong hai khuynh hướng trên, nhưng mục tiêu chính của đoàn TNTT là giúp giới trẻ thăng tiến trong đời sống xã hội và đời sống đức tin. Nói một cách khác, nếu đi đúng đường lối và mục đích, những sinh hoạt của đoàn phải dẫn đến sự trưởng thành nhân bản và đức tin không những nơi các em nhỏ, mà chính còn ở nơi các Huynh trưởng là người chịu trách nhiệm săn sóc các em. Thiếu sự chăm sóc và huấn luyện về tâm linh, rất dễ dàng cho những Huynh trưởng, vốn là chính những người tuổi còn trẻ đi vào một trong hai khuynh hướng trên, và làm mất đi căn tính thật của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
Lời kết
Có đâm rễ sâu thì cành mới vươn cao được. Sự thay đổi thường đem lại sức sống mới, hăng say mới, nhưng sự thay đổi cũng mang cái nguy hiểm của sự mất thăng bằng và mất trọng tâm. Giống như một cành cây muốn vươn cao cần phải có gốc rễ bám sâu vào lòng đất, đoàn TNTT muốn thật sự vào đời để đem Tin Mừng vào trong cuộc sống của mỗi người trẻ phải biết bám rễ thật sâu vào nguồn sống thật của mình: Chúa Giêsu Thánh Thể. Mỗi thành viên trong Đoàn, nhất là thành phần lãnh đạo, cần phải mặc lấy cuộc sống Thánh Thể, để “Thánh Thể” không chỉ còn là một danh xưng của hội đoàn, nhưng thật sự là một lối sống: lối sống của yêu thương, lối sống của hy sinh phục vụ, lối sống của sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và siêu nhiên trong cuộc sống hàng ngày, lối sống của những người biết đặt trọng tâm là Chúa trong cuộc đời của mình.
Ai đã sống ở Atlanta hơn mười năm có lẽ vẫn còn nhớ có một dạo cộng đồng Việt Nam phải đối mặt với một nỗi nhức nhối của thời đại: nạn băng đảng thanh thiếu niên. Dù chỉ kéo dài trong vòng 5-6 năm, nhưng nó đã làm biết bao gia đình buồn phiền ưu tư, và dấy lên một nỗi lo lắng dằn vặt cho những bậc làm cha mẹ, hay những bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ. Băng đảng thanh thiếu niên trong giai đoạn đó có thể nói là một hiện tượng đương nhiên phát sinh từ làn sóng di dân ồ ạt chỉ trong vòng vài năm.
Phần lớn các em này định cư với gia đình khi đã bắt đầu vào tuổi thiếu niên, lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè trang lứa. Những em thuộc thế hệ này, nếu có khả năng học hành thì dễ dàng chú tâm vào chuyện học hành, nhưng nếu không thể theo kịp chương trình học với một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, các em thường thấy mình tụt hậu và dễ dàng chán nản trong việc trường lớp. Trong khi đó, gia đình các em vì mới định cư, nhu cầu cơm ăn áo mặc bắt buộc bố mẹ anh chị phải bương chải ngay với công ăn việc làm cho nên ít giờ săn sóc con em. Phần nữa, chính họ cũng bỡ ngỡ trong cuộc sống mới, ngôn ngữ mới, văn hóa mới. Dù thương con và muốn dạy dỗ hướng dẫn cũng khó lòng vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Thời giờ các em dành cho bạn bè nhiều hơn thời giờ dành cho việc học hành và những sinh hoạt gia đình giữa cha mẹ và con cái. Những cuộc vui chơi vô hại giữa bạn bè ban đầu dễ dàng bị những ảnh hưởng xấu lôi kéo. Nạn nhân chính là các em ở lứa tuổi non nớt, bị lôi cuốn theo lối sống và hành vi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đôi khi là những hành vi phạm pháp hình sự. Công bình mà nói thì con số này không là bao so với con số các em ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ, đạt được những thành tích xuất sắc trong khắp các trường các em theo học. Người Việt chúng ta có thể tự hào vì truyền thống giáo dục, cha mẹ biết lo lắng hy sinh cho con em, và luôn đặt trọng tâm vấn đề giáo dục văn hóa.
Những tin xấu về băng đảng thỉnh thoảng dấy lên như những hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm trong việc giáo dục. Cha mẹ trở nên cẩn thận hơn trong việc dung hòa giữa trách nhiệm kinh tế gia đình và trách nhiệm dưỡng dục con cái. Các bậc lãnh đạo cộng đoàn chú tâm nhiều hơn đến giới trẻ, đã chú tâm đầu tư vào những chương trình giáo dục nhiều hơn.
Chính trong hoàn cảnh chung của cộng đồng này mà phương pháp “giáo dục tự nhiên” của phong trào TNTT trở nên hiển nhiên đối các thành viên của phong trào và là một đáp ứng nhu cầu của tuổi thanh thiếu niên. Những sinh hoạt vui chơi xem có vẻ vô thưởng vô phạt hàng tuần, những thanh niên thiếu nữ trong màu khăn đỏ trông có vẻ vô tư vô hại lại tạo được một môi trường cho các em trong Giáo xứ được vui chơi lành mạnh, bạn bè trang lứa gặp nhau mà chính bố mẹ cảm thấy rất yên lòng. “Trò chơi của trẻ em là việc làm của người lớn”, vì chính các Huynh trưởng và những người hữu trách phải sửa soạn cẩn trọng những món ăn tinh thần phong phú cho các em qua những trò chơi, băng reo, ca hát v.v…
Không ít các em lúc đầu nghi ngờ và chống đối cái nề nếp kỷ luật trong phong trào, chỉ vài năm sau tự nguyện đăng ký đi huấn luyện để trở thành Huynh trưởng. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những lý do chủ chốt mà ngay chính đương sự nhiều khi cũng không nhận ra: đoàn TNTT đã tạo được một cộng đoàn mà trong đó tình cảm gia đình trở thành hiển nhiên. Các em tìm được nơi bạn bè và Huynh trưởng những tình cảm chân thật, những người biết yêu thương, lo lắng cho nhau, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, và có nhiều những gương mẫu đáng noi theo trong việc học hành, làm ăn, hay trong cuộc sống ngoài đời và trong đời sống tâm linh. Ngoài những sinh hoạt truyền thống, các em cũng có những cuộc du ngoạn, những chuyến picnic, những kỳ đại hội, cắm trại toàn quốc, cũng như những buổi đi xem phim, shopping chung với nhau, ăn uống ngoài tiệm hay tại nhà một Huynh trưởng nào đó, những sinh hoạt văn nghệ thể thao vào những kỳ lễ lớn của Giáo Xứ,… tất cả đã tạo được cái trẻ trung và sức sống vui tươi lành mạnh của một hội đoàn Công Giáo tiến hành cho giới trẻ. Có lẽ lời của vị thánh trẻ Dominico Savio nói lên được cái tính cách của phong trào: “Nơi đây, việc nên thánh hệ tại ở việc sống vui tươi;” hay lời của chính nhà sư phạm đại tài của giáo hội, thánh Don Bosco và thánh Philip Nêri: “Các con cứ chạy nhảy, la hét, vui chơi, miễn là đừng phạm tội.”
Một sứ mạng thứ hai đối với giới trẻ trong Giáo xứ cũng không kém phần quan trọng là sứ mạng giáo dục siêu nhiên. Các Huynh trưởng TNTT hôm nay không phải gánh hết trách nhiệm dạy Giáo lý và Thánh Kinh cho các em nữa vì trong Giáo xứ đã có một chương trình Giáo lý riêng với một đội ngũ Giáo lý viên riêng rất nhiệt thành rất yêu thương các em.
Trong những sinh hoạt hàng tuần, ngoài những bài học dạy về phong trào, các Huynh trưởng cố gắng giúp cho các em cảm nghiệm được những bài học về Lời Chúa trong Thánh Kinh và về đời sống tôn giáo qua những trò chơi, những sinh hoạt, những cuộc cắm trại, những bài múa hát hay vở hoạt cảnh vui tươi. Một ví dụ cụ thể: trò chơi đi tìm kho báu là một trò chơi rất phổ thông trong các cuộc cắm trại. Nhưng trong một kỳ trại của TNTT, trò chơi được gọi là hành trình đức tin, trong đó những câu chuyện, những nhân vật, những thử thách, những nhiệm vụ phải hoàn thành đều dựa hoàn toàn trên những bài học từ Thánh Kinh.
Phong trào cũng chú tâm trong việc khuyến khích các em hướng về đời sống Bí Tích, nhất là Bí Tích Mình Thánh Chúa và Bí Tích Giải Tội. Chính vì vậy mà Thánh lễ, chầu Mình Thánh, và đêm Hòa Giải là những phần không thể thiếu được trong những sinh hoạt cắm trại của đoàn TNTT. Các Huynh trưởng đã có truyền thống họp mặt nhau mỗi tối thứ Năm đầu tháng để cùng chia sẻ với nhau những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, và cùng tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể qua nghi thức chầu trọng thể. Chính bằng nguồn sống thiêng liêng này mà đoàn TNTT tìm được chiều sâu thật cho những sinh hoạt tự nhiên của mình.
Những người tham dự Đại hội Thánh Thể của Tổng Giáo phận Atlanta, Georgia hàng năm thường thấy một nhóm thanh thiếu niên Việt Nam mặc đồng phục áo trắng, quần sậm, và khăn quàng cổ với những màu sắc khác nhau tùy theo độ tuổi. Các em thường rất nề nếp và ngoan ngoãn, hàng ngũ chỉnh tề, và thường nghe theo lời chỉ dẫn một nhóm thanh niên nam nữ lớn tuổi hơn mang khăn quàng đỏ. Ở độ tuổi thường hay cắm đầu say mê vào những trò chơi ngoài sân hay trên computer, nhóm các trẻ này thường làm những người chưa quen biết đến nền văn hóa Công Giáo Việt Nam hiếu kỳ, và thường nảy sinh cảm tình khi chứng kiến cảnh họ tập họp lại từng nhóm để tham gia những việc đạo đức như kinh lễ, chầu Thánh Thể, hay hàng ngũ chỉnh tề chào cờ và sinh hoạt nhóm với nhau. Nhưng đối với người Công Giáo Việt Nam quốc nội hay hải ngoại, Thiếu Nhi Thánh Thể đã từ lâu trở thành một tên gọi trìu mến thân thương của những Giáo Xứ, cộng đồng Việt Nam.
Sơ lược về Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ
Qua nhiều lần danh xưng của phong trào thay đổi, hội đoàn này hôm nay có mặt trong Giáo xứ chúng ta với tên chính thức “Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ.” Dù là một phong trào có tính thống nhất quốc tế, có một ban điều hành trung ương toàn quốc, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) tại địa phương hoàn toàn hòa mình và đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt Giáo xứ hàng tuần. TNTT là một trong ba ngành của chương trình giáo dục của Giáo xứ từ những ngày đầu thành lập: Giáo lý, Việt ngữ và Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong khi ngành Giáo lý đảm trách việc truyền đạt Giáo lý của Giáo hội theo sự chỉ đạo của Giáo Phận địa phương, và ngành Việt ngữ chịu trách nhiệm việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa truyền thống Việt Nam, ngành Thiếu Nhi Thánh Thể qua những hoạt động của mình nhắm tới mục đích tạo lập một môi trường sinh hoạt vui chơi, học tập rèn luyện, thúc đẩy sinh hoạt thờ phượng qua việc lãnh nhận các Bí tích, hầu giúp các em trưởng thành một cách toàn diện. Dù có Ban Thường vụ và các Huynh trưởng điều hành những chương trình sinh hoạt cụ thể hàng tuần, đoàn TNTT được sự hướng dẫn của Thầy Phó tế phụ trách chương trình Giáo dục, và được chăm sóc về mặt tinh thần của Cha Tuyên úy.
Từ những ngày khai sinh của Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam tại Forest Park, Đức Ông Phương, lúc bấy giờ là linh mục quản nhiệm của Họ đạo đã bỏ rất nhiều công sức gầy dựng đoàn TNTT song song với chương trình giáo dục, và dày công đào tạo một thế hệ Huynh trưởng tiên phong rất quán xuyến, rất đạo đức và nhiệt tình với việc mục vụ giới trẻ. Các Huynh trưởng thế hệ này hiện nay một số đi theo ơn gọi linh mục tu sĩ, một số đang vun đắp đời sống gia đình từ những kinh nghiệm một thời phục vụ giới trẻ. Từ dạo ấy đến nay, Đoàn Thiếu Nhi cũng thăng trầm, và cũng có biết bao vui buồn xảy ra theo lịch sử chung của cộng đoàn. Trưởng Têrêxa Đào Kim Thu, một Huynh trưởng thuộc thế hệ đầu tiên, được Chúa gọi về vào năm 1998. Trưởng Đào Công Khanh, dù đã trải qua mấy mươi năm, vẫn mỗi cuối tuần có mặt với anh chị em Huynh trưởng và các em Thiếu nhi với nụ cười cố hữu trên môi. Đám đàn em xem anh như cây đại thụ, luôn tạo được cảm giác yên tâm, vững chãi khi có sự hiện diện của anh trong những sinh hoạt mỗi tuần.
Bước qua thập niên 1990, khi làn sóng định cư nhân đạo ồ ạt diễn ra ở Atlanta, khi dân số Họ đạo vụt tăng theo tháng, và băng ghế nhà thờ chật kín mỗi tuần, nhóm giới trẻ mới định cư hình thành một thế hệ Huynh trưởng mới rất năng động và không kém phần nhiệt tình như thế hệ đàn anh. Chương trình giáo dục và sinh hoạt Thiếu Nhi phải đương đầu với thử thách mới: sự tăng triển con số đoàn sinh quá nhanh. Song song với thử thách đó là một vấn nạn mới: trong số các đoàn sinh, một nửa thuộc thành phần sinh trưởng và lớn lên tại Hoa Kỳ, nửa còn lại vẫn còn chịu ảnh hưởng lối sống, suy nghĩ và nền văn hóa từ quê nhà Việt Nam. Vấn nạn này cũng tồn tại trong nhóm Huynh trưởng mãi đến hôm nay. Nhưng cũng từ những vấn nạn này mà đoàn TNTT trưởng thành hơn, đa dạng hơn trong cách thức sinh hoạt vào giáo dục các em. Theo bước tiến tự nhiên, TNTT không chỉ là một đoàn thể tổ chức những trò chơi sinh hoạt cho thiếu nhi, mà còn trở thành một trong những lực lượng chính đóng góp nhân lực và chất xám trong những sinh hoạt và những ngày lễ lớn của Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam.
Thiên niên kỷ thứ ba chào đón một thế hệ Huynh trưởng mới, đa số là hoa quả của chương trình sinh hoạt giáo dục của Giáo xứ nói chung và của Đoàn TNTT nói riêng từ những ngày đầu thành lập. Huynh trưởng hiện nay phần lớn là những em thiếu nhi ngày xưa, hiền lành và ngoan ngoãn, hôm nay cũng muốn hăng say dấn thân theo gương anh chị của mình.
Trong lớp Fundamental Theology tuần này, tôi phải viết một bài giảng đoạn Thánh Kinh về bà Maria Madalena gặp Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại (Jn 20: 11-18). Sau khi đọc qua đoạn TK này và một vài chú giải Kinh Thánh hồi tuần trước, tôi bắt tay vào viết ngay, chỉ trong vòng hơn một ngày là tôi đã viết và hoàn chỉnh lại bài để đem đi nộp. Những tưởng bài viết đã hoàn chỉnh rồi, nhưng bà Giáo sư nói tôi phải viết lại vì phương cách soạn bài giảng và những nguồn dẫn chứng tôi dùng không đúng với ý của bà ta. Tôi hơi thất vọng, và hơi bực mình vì công khó đọc bài và viết bài trong hai ngày của tôi thành công cốc. Bây giờ thì tôi đã viết xong và nộp lại bài thứ hai rồi. Nhìn lại sự cố nho nhỏ này mà tôi lại học được nhiều điều, và cũng làm cho tôi trăn trỡ một số câu hỏi khác.
- Đời có những sự việc không nằm trong sự dự đoán và sắp xếp của mình. Tôi dự định là hoàn thành bài viết đó sớm để bắt đầu lo ôn thi, hoặc nghỉ xả hơi một tí trong tuần này để lấy sức thi tuần tới. Bây giờ trách bà giáo sư hay trách mình. Đúng ra thì chả có ai để mà trách. Chỉ biết bình tâm một chút để nhận ra rằng, đời có những sự việc không nằm trong sự dự đoán và sắp xếp của mình. Cứ bình an với nó.
- Nhưng mà chính trong sự cố hơi khó chịu đó, tôi lại học được vài điều hay. Dĩ nhiên là khi làm một bài tập hai lần, với hai lần nghiên cứu sách vở khác nhau, thì tôi học hỏi thêm rất nhiều điều hay. Để biết là trong một đoạn TK ngắn ngủi như vậy nhưng hàm chứa biết bao là chân lý cao đẹp và biết bao chuyện tình yêu ngọt ngào. Tôi sẽ tóm tắt nội dung 2 bài giảng vào một dịp sau để bạn đọc có thể tham khảo.
- Sự cố này cũng làm cho tôi suy nghĩ nhiều về việc rao giảng Tin Mừng. Dĩ nhiên có nhiều cách thức rao giảng khác nhau, nhưng phải chọn cách rao giảng nào để sự phong phú và thâm sâu của Tin Mừng được lột tả. Như thế thôi chưa đủ, phải chọn một cách thức nào để người nghe có thể nắm bắt được ý mình muốn nói. Khi chọn lối đi truyền thống của GH Công Giáo trong việc giảng giải TK, có nghĩa là dựa trên kinh nghiệm bản thân và cộng đồng, dựa vào truyền thống và lịch sử trong GH liên quan đến đoạn TK đó, dựa vào những kết quả nghiên cứu chuyên môn nghiêm túc của khoa Thánh Kinh ..., và dựa vào Giáo huấn của GH, thì bài giảng sẽ rất xúc tích và tràn đầy những ý nghĩa rất thâm sâu, thật sự có sức hoán cải đời sống.
Nhưng trong giới hạn của thời gian và hoàn cảnh của người nghe, tôi phải làm một sự chọn lựa khác. Đi theo p/p truyền thống thì sẽ bảo đảm sự phong phú và sâu sắc của nội dung, nhưng tôi phải đành đặt hàng thứ yếu phương cách giảng và đối tượng tôi giảng. Nói đến đây là nói đến cả một thế giới khác. Đối tượng nghe tôi giảng ngồi nghe trong 10 phút đồng hồ, nhưng trong đầu và trong tâm tư họ là cả một thế giới với những ưu tư, lo lắng, buồn vui và một nhịp tim khác. Làm sao để nói mà họ cảm được đây. Nội dung có sâu sắc, nhưng nếu họ không thấy liên quan gì đến thế giới riêng của mình, thì nội dung sâu sắc cũng chỉ là nội dung sâu sắc trong kiến thức, chẳng có sức sống thay đổi con người.
Tôi đã từng là thầy giáo, giảng viên cho giới trẻ và cả người lớn, tôi hiểu được tầm quan trọng của cả hai yêu cầu này. Quan trọng hơn nữa, rao giảng một Tin Mừng có tiềm năng hoán cải cuộc sống, tôi thấy trăn trở này càng hệ trọng hơn nữa.
Mary, did you know, that your baby boy will one day walk on water? Mary, did you know, that your baby boy will save our sons and daughters? Did you know,that your baby boy has come to make you new? This child that you've delivered, will soon deliver you.
Mary, did you know, that your baby boy will give sight to a blind man? Mary, did you know, your baby boy will calm a storm with his hand? Did you know, that your baby boy has walked where angels trod When you kiss your little baby, you've kissed the face of God.
The blind will see, The deaf will hear The dead will live again. The lame will leap, The dumb will speak The praises of The Lamb.
Mary, did you know that your baby boy is Lord of all creation? Mary, did you know that your baby boy will one day rule the nations?
Did you know, that your baby boy is heaven's perfect lamb? This sleeping child you're holding, is the great I AM.
Nhìn con thơ âu yếm, Mẹ biết chăng mai kia, Ngài đi trên nước như không Nhìn con thơ âu yếm, Mẹ biết chăng mai kia, Ngài sẽ cứu thoát chúng sinh. Mẹ hay chăng, em bé sinh ra đời làm bừng dậy sự sống mới, Mẹ đã cưu mang Ngài xưa đó, ngày kia Ngài sẽ chở che.
Nhìn con thơ âu yếm, Mẹ biết chăng mai kia, Ngài ban ánh sáng kẻ mù Nhìn con thơ âu yếm, Mẹ biết chăng mai kia, Ngài lệnh cho giông bão lui. Mẹ hay chăng, em bé đây đã từng quyền thần phải cung kính bái, Âu yếm hôn lên mặt thơ bé, là hôn Vua, Thiên Chúa uy linh.
Người điếc được nghe, người mù được xem, kẻ chết sẽ được phục sinh. Người câm được nói, người què được đi, xin chúc khen Chiên Thiên Chúa.
Này Mẹ Maria, Mẹ biết chăng bé thơ, là Thiên Chúa khắp muôn loài Này Mẹ Maria, Mẹ biết chăng bé thơ, trị vì trên muôn muôn sắc dân. Mẹ hay chăng, em bé thơ của Mẹ, Ngài thật là Chiên Hiến Tế Say giấc trong tay Mẹ âu yếm, thật là Đấng Thiên Chúa.
Thời còn ở VN trong giai đoạn bị nhà nước hạn chế việc hội họp sinh hoạt, tôi và một vài đứa bạn cùng với sự trợ giúp của các Soeur dòng Phan Sinh cũng tụ tập được một nhóm trẻ trong Họ đạo sinh hoạt, vui chơi này nọ. Đọc bài viết của cha Quang Uy làm tôi nhớ về cái thuở nhiệt tình đó.
Bây giờ định cư tại Hoa Kỳ với một hoàn cảnh xã hội hoàn toàn khác biệt, và tôi với một hoàn cảnh sống cũng khác biệt, nhưng mơ ước được hoà mình vào sức sống tươi trẻ như ngày nào vẫn còn dạt dào trong tôi. Ý Chúa, mong ngày nào tôi hoàn thành được ước nguyện này trên đất Hoa Kỳ.
Lần cuối cùng tôi về thăm lại Việt Nam là mùa hè 2003, sau mười năm rời xa quê hương. Cái làm tôi nhớ nhất về chuyến thăm quê hương này là sự tái khám phá của tình người, tình người bình dị giữa thành viên gia đình, giữa bạn bè, giữa bà con lối xóm. Cái tình người man mác trong những ca khúc bất hũ của Trịnh Công Sơn, không ào ạt và ồn ào, nhưng da diết miên man, tuy vậy mà mãnh liệt và trường tồn, cũng giống như giá trị của chính những ca khúc của ông.
Tôi đến phi trường đã nữa đêm, một ngày trong tuần, có nghĩa là ngày hôm sau mọi người vẫn phải đến trường đến sở làm. Thế mà đón tôi tại phi trường là biết bao nhiêu bà con trong gia đình và vài đứa bạn thời Trung học. Ngày hôm sau tại nhà của bà ngoại tôi, vài đứa bạn khác đến chơi. Dĩ nhiên là tôi vui mừng khôn xiết, nhưng cái làm tôi xúc động nhất là chỉ cần tụi nó nhấc điện thoại di động ra nhấn nhấn vài cái, chỉ trong vòng 15 phút đến nữa tiếng, ngôi nhà ồn ào lên vì không biết từ ngóc ngách nào cả đám bạn thời Trung học kéo đến lũ lượt. Mười năm, không đứa nào còn hồn nhiên vô tư như những năm ngồi ghế nhà trường. Mười năm, thời gian đủ để biết bao nhiêu biến đổi thay ngôi. Vậy mà tình bạn vẫn dạt dào và sốt sắng như ngày nào. Những ngày sau đó, lang thang cùng vài đứa chỗ này chỗ kia, sao tình bạn vẫn tha thiết, sao vẫn có cái gì mà lâu lắm rồi trên đất nước Hoa Kỳ sung túc này tôi không cảm được. Cái hồn người Việt chăng?
Có một buổi chiều tham quan Vịnh Hạ Long. Tôi đứng yên lặng trên boong thuyền nhìn ra xa thẳm. Máy thuyền êm ru, mặt nước trên vịnh phẳng lặng, những dãy núi yên lặng uy nghiêm. Trời chiều không nắng nhưng sáng trưng, không mưa nhưng lại thấy như mơ mơ hồ hồ. Cái tâm hồn Việt vốn có trong con người tôi hình như đánh hơi được cái gì thiêng liêng lắm đâu đây, bởi vì tôi bỗng thấy choáng ngợp, giống như say mà lại tỉnh thức hơn bình thường. Lúc đó, cái giọng đều đều của người hướng dẫn viên du lịch kể về truyền thuyết của Vịnh Hạ Long cho du khách nghe chợt đập vào tai tôi.
Truyền thuyết kể rằng thuở xưa, khi trần gian ngập tràn yêu ma quỷ quái phá quấy con người, giết hại tàn sát, thần Rồng tổ tiên người Việt trên thiên đình thương xót con cái đã dẫn con cháu rồng của mình xuống đánh đuổi yêu ma đi. Sau khi họ quay về thiên đình, quỷ ma lại kéo nhau quay lại tiếp tục quấy phá con người. Thần Rồng và con cháu lại lần nữa kéo xuống dẹp yêu ma. Nhưng cứ mỗi lần họ quay về thiên đình là yêu ma lại lộ đầu. Cuối cùng, thần Rồng và con cháu, vì yêu thương loài người, quyết định hóa thân thành những dãy núi lớn nhỏ khác nhau, xuống và ở lại luôn với con người để bảo vệ họ. Vì thế mà cái vịnh mang tên Hạ Long, và đầy những hòn núi lớn nhỏ rãi rác khắp nơi.
Và tôi chợt hiểu. Cái hồn Việt là ở đó. Là tình người, là yêu thương, là hy sinh, là chọn ở lại với nhau bất chấp thân phận.
Đó là hình ảnh của Thánh Thể trong tôn giáo Kitô.
Tôi là người Việt. Tôi là người mang hình ảnh Kitô. Gia tài vô giá của tôi là tình người.
Mở blog này lâu rồi mà chưa viết trang nào. Thôi vài hàng làm tin coi như là chào bà con trên mạng vậy.
Tôi rời VN đã 15 năm rồi, nhưng vẫn nặng lòng với quê hương đất nước. Hỏi tôi còn nhớ và còn sinh hoạt giống VN trên đất Hoa Kỳ này không: cứ thử nói cái gì đó coi, chửi thề theo cách văn chương tôi cũng chửi được đừng nói chi ... giỡn thôi. Biết bao nhiêu thứ không nhớ lại nhớ chửi thề, hihi.
Tôi rời VN khi mới vừa tốt nghiệp Phổ thông Trung học, trường Hoàng Hoa Thám, q. Bình Thạnh, Sàigòn. Tôi nhớ gì nhất trong 3 năm đó ... đó là những tình bạn thắm thiết, những ngày phải học cả 2 xuất sáng chiều (lớp chuyên), những trận đá banh hay những cuộc đi chơi xa, những bài hát học sinh hay tình ca đám bạn nghêu ngao hát trong lớp, cây đàn ghi-ta và vở kịch đoạt giải I trong kỳ cắm trại năm 12, và những vần thơ tình tôi viết cho cô bạn ở lớp khác, viết rồi nhưng không dám gởi, chỉ dám đăng trên báo tường của khối, với hy vọng mấy đứa bạn thân biết xuất xứ của nó sẽ nói cho người ấy biết là bài thơ viết cho ai
Dáng em thơ thẫn đạp lá rơi Sân trường bóng lặng chẳng nên lời Dáng em nho nhỏ sân trường vắng Lá rụng lòng anh nát tơi bời.
Đừng cười em nhé anh ngẩn ngơ Mưa bay anh còn chẳng hững hờ Em đi khập khễnh tim anh đão Em về bỏ lại anh bơ vơ.
Tôi cảm hứng viết bài thơ này vào một buổi trưa giờ tan trường, năm 1992, nhìn em dắt chiếc xe đạp nho nhỏ như dáng em nho nhỏ, em thật sự đi khập khễnh hôm đó vì mới vừa bị tai nạn xe đạp ?! Biết mình thuộc loài người dễ xúc động, "mưa bay anh còn chẳng hững hờ," cho nên khi thấy em đi khập khễnh thì làm sao mà kìm lòng không điên đão cho được. Tội một cái hồi đó sao nhát quá, không dám ra bắt chuyện hỏi han, cứ đứng đó nhìn theo thót tim thót ruột, cho nên khi em đi rồi thì mới cảm thấy mình bị "bỏ lại anh bơ vơ."
Wow, giờ nghĩ lại sao hồi đó mình cũng lãng mạn dữ.